(NNVHNT Khmer – TVU) Nhằm phối hợp tổ chức một hội thảo khoa học chuyên ngành giữa các cơ quan trung ương và trường đại học địa phương về lĩnh vực văn học các dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh Nam Bộ; đồng thời đáp ứng nhu cầu liên kết nghiên cứu giữa các cơ quan, đơn vị cũng như nhu cầu về nguồn tư liệu phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Trà Vinh phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và Tạp chí Nghiên cứu Văn học đồng tổ chức Hội thảo Khoa học “Văn học các dân tộc thiểu số vùng Nam Bộ - Từ truyền thống đến hiện đại”. Hội thảo bắt đầu lúc 8 giờ ngày Thứ Tư, 24/7/2019 tại Hội trường E21.105, Khoa Ngôn ngữ - Văn hoá – Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, Trường Đại học Trà Vinh.

PGS.TS. Phạm Tiết Khánh – Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh,

Trưởng Ban tổ chức phát biểu khai mạc Hội thảo

 

PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn – Viện Phó Viện Văn học,

Phó Trưởng Ban tổ chức báo cáo đề dẫn

Đến dự Hội thảo có khoảng 150 đại biểu gồm đại diện của các đơn vị đồng tổ chức: Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Văn học và Trường Đại học Trà Vinh; đại diện các Viện, trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trong toàn quốc như Viện Văn học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Kiên Giang, Trường Đại học Thái Bình Dương, Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng, Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu, Trường BTVH Pali Trung cấp Nam Bộ, Trường Trung cấp Pali - Khmer Trà Vinh,…; đại diện Hội Văn học Nghệ thuật, Chi hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Vĩnh Long…; các vị lãnh đạo Ban Dân tộc, Ban Tuyên giáo các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng; đại diện các Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú trong tỉnh như: Trường Phổ thông DTNT THCS, THPT huyện Tiểu Cần, Trường Phổ thông DTNT THCS huyện Cầu Ngang, Trường Phổ thông DTNT THCS huyện Châu Thành, ….; các tác giả tham luận, các vị Sư, các nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên Khoa NN-VH-NT Khmer Nam Bộ. Đặc biệt, hội thảo khoa học này còn nhận được sự quan tâm, tham dự của nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi trong toàn quốc. Hội thảo thu hút các nhà nghiên cứu, các công trình nghiên cứu về văn học các dân tộc Việt, Khmer, Hoa, Chăm, Chơ Ro,...

Tại hội thảo, ngoài các tham luận có giá trị khoa học cao, các nhà nghiên cứu còn tham gia đóng góp nhiều ý kiến đầy tâm huyết cho vấn đề nghiên cứu văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số nói chung, văn học nghệ thuật Khmer nói riêng. Các ý kiến đóng góp của nghệ sĩ ưu tú Sang Sết, nhà nghiên cứu – nhà thơ Thạch Đờ Ni, tiến sĩ Hồ Quốc Hùng,... về văn học nghệ thuật Khmer rất được hoan nghênh.

Nghệ sĩ ưu tú Sang Sết báo cáo tại Hội thảo

 

Nhà nghiên cứu – nhà thơ Thạch Đờ Ni phát biểu tại Hội thảo

Tiến sĩ Hồ Quốc Hùng báo cáo tại Hội thảo

Nhận xét về hội thảo, GS.TS Lã Nhâm Thìn cho rằng “Đây là một hội thảo quốc gia thật sự, cả về tầm lẫn về vóc”, Đây là một hội thảo rất thiết thực cho chương trình văn học địa phương”. Ông hi vọng rằng, với tầm và vóc như thế, Hội thảo thành công không chỉ trong Hội thảo, trong hội trường mà còn thành công cả ngoài Hội thảo, ngoài diễn đàn.

GS.TS Lã Nhâm Thìn phát biểu tại Hội thảo

     Về các hướng phát triển tiếp tục từ Hội thảo, PGS.TS. Bùi Thanh Truyền – Trưởng Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm đến văn học các dân tộc thiểu số trong truyền thống và văn học các dân tộc thiểu số đương đại. Ông cũng nhắc đến vai trò gợi mở của hội thảo về các vấn đề giảng dạy văn học dân tộc các dân tộc thiểu số, đón đầu chương trình dạy học sau 2020 ở mảng giảng dạy văn học địa phương; gợi mở về hướng nghiên cứu các sáng tác của các nhà văn Nam Bộ đương đại từ góc nhìn văn hoá. Theo ông, sự gắn kết giữa các đơn vị, các trường đại học và các trường phổ thông sẽ giúp cho hội thảo được lan toả rộng rãi.

              Ngoài ra, các đại biểu Thạch Muni – Phó Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, Danh Sóc – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Đào tạo Trường Đại học Kiên Giang cũng đã có những ý kiến rất thiết thực về việc phát triển các nghiên cứu tiếp theo liên quan đến văn học các dân tộc thiểu số vùng Nam Bộ.

Với sự chuẩn bị chu đáo của Ban Tổ chức, đặc biệt là sự quan tâm, đóng góp về mặt khoa học của các nhà khoa học trong toàn quốc, Hội thảo đã diễn ra rất thành công. Phát biểu tổng kết Hội thảo, nhà văn Cao Duy Sơn – Phó Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ các Dân tộc đã nhận định: “Đây là một Hội thảo rất thành công.”

Nhà văn Cao Duy SơnPhó Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ các Dân tộc phát biểu tổng kết Hội thảo

Cô Thạch Thị Dân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh

phát biểu bế mạc Hội thảo

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo

                                                                                     Tin, bài: Bùi Luyến

                                                                                Ảnh: Sơn Kim

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÀ VINH
KHOA NGÔN NGỮ VĂN HÓA - NGHỆ THUẬT- KHMER NAM BỘ
Số 126 Nguyễn Thiện Thành, khóm 4, phường 5, TP.Trà Vinh
Điện thoại: (+84).294.3855246
Số nội bộ: 240; Email: vpkkhmer@tvu.edu.vn