Tháng 10/2013, tại Công văn số 8425/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ thuộc Trường Đại học Trà Vinh thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia đào tạo nguồn nhân lực về Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, Trường Đại học Trà Vinh nói chung, Khoa Ngôn ngữ - Văn hoá - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ nói riêng luôn đặc biệt chú trọng đến việc giữ gìn và phát huy ngôn ngữ - văn hoá Khmer trong nhà trường. Cho đến nay, Trường Đại học Trà Vinh là đơn vị duy nhất trong cả nước đào tạo chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn Khmer Nam Bộ.               Trong những năm qua, nhà trường luôn ý thức được trách nhiệm đối với việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy tiếng Khmer cho Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng, cho cả nước nói chung. Nhận thức được yêu cầu của giáo dục đại học trong thời kì mới, Khoa Ngôn ngữ - Văn hoá – Nghệ thuật Khmer Nam Bộ luôn quan tâm đến việc theo dõi phản hồi từ các đơn vị sử dụng lao động, nhu cầu xã hội để cập nhật chương trình đào tạo song song với việc mở lớp bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Khmer cho các đơn vị có nhu cầu. Để ngày càng hoàn hiện chương trình đào tạo theo hướng phát triển năng lực người học, chú trọng năng lực thực hành nghề nghiệp chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các yếu tố ảnh hưởng đến chương trình đào tạo, tự đánh giá về cách thức tổ chức các hoạt động đào tạo để không ngừng cập nhật nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội.

         Hiện nay, sinh viên Sư phạm Ngữ văn Khmer Nam Bộ được học tập ở Khoa Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam Bộ với cơ sở vật chất được trang bị tốt, giảng viên nhiệt tình, hỗ trợ sinh viên với phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm. Khoa và Bộ môn luôn cố gắng tạo môi trường học tập thuận lợi nhất cho sinh viên. Đối với các môn chuyên ngành, đa phần sinh viên được học tại Khoa, giảng viên thường xuyên thay đổi và sử dụng hiệu quả các phương pháp giảng dạy, cung cấp tài liệu giảng dạy, đề cương chi tiết, công bố tiêu chí đánh giá, phương thức đánh giá rõ ràng. Trong quá trình đào tạo sinh viên sư phạm, Khoa và Bộ môn luôn chú trọng đến tính chất thực hành trong mỗi môn học. Sinh viên được đi thực tập 2 lần vào học kì 5 và học kì 8 ở các trường Phổ thông Dân tộc Nội trú trong tỉnh để tiếp cận tình hình dạy và học thực tế và đi thực tập thực tế ở các tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Sinh viên lớp DA15SNV trong giờ Tập giảng

Sinh viên lớp DA14SNV trong giờ thực hành Phương pháp dạy học Tiếng Khmer

Sinh viên lớp DA15SNV trong chuyến thực tập thực tế tháng 12/2018

Sinh viên lớp DA15SNV trong chuyến thực tập sư phạm 01-3/2019

   

Học viên lớp Bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Khmer Kiên Giang tháng 8/2018

         Ngoài ra, sinh viên còn được tạo điều kiện để học tập, nghiên cứu suốt đời bằng các hoạt động nghiên cứu khoa học thể hiện qua các học phần Phương pháp nghiên cứu khoa học, Niên luận, các bài nghiên cứu khoa học giáo dục. Nhà trường cũng là đơn vị đi đầu trong việc xây dựng các tài liệu giảng dạy, tài liệu nghiên cứu chuyên ngành cho sinh viên. Bên cạnh đó, Khoa, Bộ môn cũng thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm khoa học, hội thảo khoa học để sinh viên, học viên có thể học hỏi được các kinh nghiệm, phục vụ chuyên môn. Song song đó, hiện nay Khoa đã có đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Ngữ văn để sinh viên sau khi ra trường có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu chuyên sâu tại cùng một đơn vị đào tạo.

   

Sinh viên Sư phạm Ngữ văn Khmer tham gia các Hội thảo, Hội thi

Từ năm 2008, Bộ môn Sư phạm Ngữ văn, Khoa Ngôn ngữ - Văn hoá - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ đã thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên dạy tiếng Khmer cho các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Đến nay, đã có 07 khoá sinh viên chính quy, 02 khoá vừa làm vừa học và 02 khoá đào tạo từ xa tốt nghiệp, đảm nhận vai trò giáo viên Tiếng Khmer cho các trường thuộc các cấp học khác nhau ở các tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống. Ngoài ra, nhằm chuẩn hoá đội ngũ giáo viên dạy tiếng Khmer, Bộ môn còn đảm nhiệm vai trò bồi dưỡng giáo viên đang đứng lớp theo yêu cầu của địa phương.

                                                                                                                         

                                                                                                                        BÙI LUYẾN

TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÀ VINH
KHOA NGÔN NGỮ VĂN HÓA - NGHỆ THUẬT- KHMER NAM BỘ
Số 126 Nguyễn Thiện Thành, khóm 4, phường 5, TP.Trà Vinh
Điện thoại: (+84).294.3855246
Số nội bộ: 240; Email: vpkkhmer@tvu.edu.vn