(TVU) – Ngày 28/8/2018 Trường  Đại học Trà Vinh tổ chức buổi Hội thảo Khoa học với chủ đề “Văn hóa và văn học Nam Bộ trong thời kỳ hội nhập”, thu hút hơn 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên của các trường Đại học, Cao đẳng thuộc khu vực Nam Bộ tham gia.

Tham dự hội thảo có Phó Hiệu trưởng Thạch Thị Dân, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Trường Đại học Trà Vinh, cùng với khách mời là Lãnh đạo các sở ban ngành trong và ngoài tỉnh.

Tại Hội thảo, có tám bài tham luận được các nhà nghiên cứu báo cáo, qua đó đã phản ánh góc nhìn khách quan nhất của nền văn hóa, văn học Nam Bộ hiện nay. Đây cũng là những đánh giá có liên quan đến hoạt động nghiên cứu văn hóa và văn học Nam Bộ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu… trong thời gian tới.

Bản sắc văn hóa vùng Nam Bộ là một tổng thể được hình thành trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa lâu đời của các cư dân cùng cộng cư tại vùng đất này, từ thế kỷ thứ XVII đến thế kỷ thứ XVIII, sự giao lưu văn hóa Kinh, Khmer, Hoa, Chăm đã diễn ra và còn lưu giữ đến ngày nay.  Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học cùng thảo luận và đưa ra kiến nghị là tại các địa phương cần có ngay các giải pháp đối với thực trạng nguy cơ thất truyền, mai một nhiều loại hình di sản văn hóa Nam Bộ.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ cho rằng “Với sự phát triển nhanh của xã hội hiện nay, thì lĩnh vực văn hóa và văn học Nam Bộ đang ngày càng được quan tâm hơn trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp. Hội nhập và phát triển  văn hóa, văn học được nhìn nhận là một yếu tố tất yếu trong lịch sử và đây cũng đòi hỏi một cách nhìn khách quan và khoa học về các nhân tố văn hóa,  văn học trong sự phát triển tộc người nhất là tộc người thiểu số”. 

Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát triển kinh tế tại địa phương cần phải gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của văn hóa văn học. Vấn đề này được các diễn giả thảo luận và chỉ ra một số thực trạng và giải pháp tại Hội thảo.

Trương Đức Thuận, NCS ngành Văn hóa học của ĐH Trà Vinh đã chỉ ra sự biến đổi văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Nam Bộ hiện nay và những vấn đề đặt ra. Theo ông Thuận, một số địa phương do chạy theo thành tích nông thôn mới, nhưng lại xem nhẹ việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các cộng đồng dân cư tại chỗ, khiến các giá trị này ngày càng mai một.

Ông cho rằng, các địa phương cần nhìn nhận lại sự vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong định hướng xây dựng các tiêu chí văn hóa cho vùng nông thôn mới hiện nay.

Ngoài các bài báo cáo trên, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tại hội thảo cũng nhìn nhận vấn đề bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Nam Bộ là một nhiệm vụ cấp bách của các ngành, các cấp và là trách nhiệm của các cộng đồng.

Phát biểu tại Hội thảo, Bà Thạch Thị Dân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh nói: Văn hóa và văn học Nam Bộ là một chủ đề khoa học rộng lớn được ví như mỏ kim loại và có nhiều loại khoáng sản quí hiếm chưa được khai thác, để đóng góp cho sự đa dạng và đặc sắc của nền văn hóa và văn học cả nước nói chung và Nam Bộ nói riêng, việc khảo sát và nghiên cứu văn hóa và văn học Nam Bộ thật sự cần thiết và là vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển hội nhập của vùng.

Phó Hiệu trưởng ghi nhận và cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các học viên, các bạn sinh viên đã chia sẻ, giới thiệu và công bố kết quả nghiên cứu về văn hóa và văn học Nam Bộ của mình, đồng thời đưa ra các giải pháp cho việc phát huy và bảo tồn nền văn hóa và văn học của nước nhà.

Quốc Vinh

TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÀ VINH
KHOA NGÔN NGỮ VĂN HÓA - NGHỆ THUẬT- KHMER NAM BỘ
Số 126 Nguyễn Thiện Thành, khóm 4, phường 5, TP.Trà Vinh
Điện thoại: (+84).294.3855246
Số nội bộ: 240; Email: vpkkhmer@tvu.edu.vn