(TVU) - Chiều 13.12, tại khoa Ngôn ngữ Văn hoá Nghệ thuật Khmer Nam Bộ diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề "Phương pháp biên soạn từ điển song ngữ". Hội thảo thu hút trên 150 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà biên soạn từ điển đến từ Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam cùng giảng viên và sinh viên ĐH Trà Vinh.  

Dai bieu chup anh luu niem

   Hội thảo Khoa học: "Phương pháp biên soạn từ điển song ngữ”

Hội thảo đã vinh dự đón tiếp GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam đến phát biểu chỉ đạo, cùng lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hội thảo Khoa học: "Phương pháp biên soạn từ điển song ngữ" nằm trong khuôn khổ thực hiện dự án “Biên soạn từ điển song ngữ Việt - Khmer, Khmer - Việt” do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Mục đích Hội thảo lần này nhằm trao đổi, chia sẻ với các nhà nghiên cứu, chuyên gia về phương pháp, kinh nghiệm biên soạn từ điển nói chung và từ điển song ngữ nói riêng, từ đó vận dụng vào việc biên soạn từ điển song ngữ Việt - Khmer, Khmer - Việt một cách hiệu quả, khoa học.

 

Nguyen Thien Nhan phat bieu

  GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - Người đề xuất và xây dựng nền tảng đầu tiên

cho việc biên soạn từ điển song ngữ Việt – Khmer, Khmer – Việt

Đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: việc ra đời của bộ từ điển song ngữ Việt – Khmer, Khmer- Việt này sẽ góp phần củng cố đại đoàn kết các dân tộc ở nước ta. Bởi vì hơn 1.200.000 đồng bào Khmer sẽ nắm tiếng Việt tốt hơn, các cán bộ công tác ở vùng đồng bào Khmer học tiếng Khmer tốt hơn cũng như việc quan hệ với nước láng giềng Campuchia sẽ được thuận lợi hơn.

Trong bài phát biểu đề dẫn, PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo nói: Việc phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc Khmer, một mặt nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội địa phương, mặt khác giúp cho công tác bảo tồn ngôn ngữ, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong khu vực ngày càng hiệu quả hơn.

PGS.TS Phạm Tiết Khánh cho rằng: Những đóng góp của các nhà nghiên cứu trong công tác biên soạn từ điển Việt - Khmer, Khmer - Việt là cơ sở giúp chúng ta biên soạn bộ từ điển mới với quy mô lớn hơn và nội dung sâu rộng hơn trên cơ sở kế thừa, phát huy những mặt mạnh. Đồng thời rút ra những lưu ý, khắc phục những điểm hạn chế từ các công trình đi trước. Kết quả nghiên cứu là nguồn dữ liệu quan trọng cho sinh viên và giảng viên của Nhà trường trong quá trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu.

Trường ĐH Trà Vinh với vai trò thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia đào tạo nhân lực về ngôn ngữ, văn hoá, nghệ thuật Khmer Nam Bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển văn hoá - xã hội ở Nam Bộ, được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao thực hiện Dự án Biên soạn bộ từ điển Việt - Khmer, Khmer - Việt. Do đó, việc biên soạn từ điển không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng đối với Nhà trường. Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh nhấn mạnh.

Trong các bài tham luận và chia sẻ của các chuyên gia về biên soạn từ điển của Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, các đại biểu được lắng nghe và tham khảo nhiều ý kiến quý báu về kinh nghiệm biên soạn từ điển.

Theo GS.TS Phạm Hùng Việt, công tác biên soạn từ điển cần sự điều hành phối hợp tổ chức chặt chẽ, phải có chủ biên định hướng chuyên môn. Theo ông, việc biên soạn từ điển phải trải qua ba bước: Bước sơ khảo: có hiểu biết về ngôn ngữ Khmer; bước sửa chữa: chuyên môn cao hơn để duyệt từ, đối chiếu mục từ; và cuối cùng là chủ biên: xem xác minh lại ý nghĩa mục từ và quyết định...

PGS.TS. Hà Quang Năng cho rằng: Từ điển là một công trình nghiên cứu chuyên sâu về kiến thức ngôn ngữ... cần nhiều kỹ năng, nhiều kiến thức về ngôn ngữ. Ban biên soạn cần lưu ý đến nhu cầu; loại từ điển, lượng từ điển và từng bước xuất bản cho phù hợp...

Những khó khăn ban đầu về nguồn lực, tài lực và kinh nghiệm đi tìm giải pháp cho khó khăn trong thực hiện,  được GS.TS NGND Bùi Khánh Thế, Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học Tp.HCM nêu tại hội thảo như là một kinh nghiệm quý báu, cùng chia sẻ đến ban biên soạn từ điển của Trường ĐH Trà Vinh.

Ông cho rằng: Trước hết cần quan tâm đến khâu tổ chức, nhân lực, tài lực, các nguyên tắc về thể lệ, xác định dung lượng từ điển và tiêu chí; từ điển đối chiếu. Nhà trường nên phối hợp các nhà khoa học, vận dụng các sinh viên đang học khoa Khmer; các trường Pali Sanskrit; thừa kế và nghiên cứu một số sách từ điển đã xuất bản; nên thành lập bộ phận biên tập, tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu, đặc biệt tranh thủ sự hỗ trợ của lãnh đạo Bộ ngành trung ương.

TS Phú Văn Hẳn nói: Người thụ hưởng từ điển hết sức quan trọng, đòi hỏi các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu biên soạn cần chú ý: mỗi mục, mỗi từ trong từ điển đưa ra được đối tượng thụ hưởng chấp nhận và tự hào.

Theo báo cáo của BTC, Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều học giả. Nhiều bài tham luận thể hiện đa dạng các vấn đề liên quan và cần thiết đến công tác biên soạn từ điển xoay quanh các nội dung: Những vấn đề về lí thuyết ngôn ngữ học, ngôn ngữ Khmer; những vấn đề về lí thuyết từ điển học, từ điển song ngữ; phương pháp xây dựng từ điển và từ điển song ngữ; những thành tựu trong lĩnh vực biên soạn từ điển, từ điển song ngữ ở Việt Nam trong thời gian qua; kinh nghiệm biên soạn từ điển, từ điển song ngữ.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngôn ngữ và công tác biên soạn từ điển, thảo luận chia sẻ về ngôn ngữ học, từ điển học, tiếp thu nhiều thông tin phục vụ công tác biên soạn từ điển.

Dịp này, Nhà trường mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, các chuyên gia về biên soạn từ điển, sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời từ lãnh đạo Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo để công tác thực hiện Dự án biên soạn Từ điển song ngữ Việt - Khmer, Khmer - Việt được thuận lợi và thành công.

PGS.TS Phạm Tiết Khánh cũng bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có ý kiến đề xuất và xây dựng nền tảng đầu tiên cho việc biên soạn từ điển song ngữ Việt – Khmer, Khmer – Việt và rất vui mừng khi nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, Vụ Hợp tác Quốc tế, Văn phòng công tác phía Nam, các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ Viện Từ điển học và Bách Khoa thư Việt Nam cùng các giảng viên trong và ngoài trường, đại diện các sở ban ngành trong và ngoài tỉnh, các cán bộ trực tiếp tham gia công tác biên soạn bộ từ điển Việt – Khmer, Khmer – Việt.

  GS.TS Tran Khanh The

  GS.TS. NGND Trần Khánh Thế chia sẻ một số kinh nghiệm về biên soạn từ điển song ngữ

Dai bieu Thach Sarol

Đại biểu Lâm Sa Rone - Trường trung cấp Pali Trà Vinh: Việc biên soạn từ điển phải đảm bảo tính chuẩn mực, tính đa dạng, tính tương đối và tính lịch sử. Cần phải có quy trình thẩm định xem xét và Ban dịch từ phải cập nhật các kiến thức ngôn ngữ nước ngoài để sử dụng các từ tương đương cho phù hợp.

Toan canh hoi thao

Toàn cảnh hội thảo

 

Thanh Sơn

TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÀ VINH
KHOA NGÔN NGỮ VĂN HÓA - NGHỆ THUẬT- KHMER NAM BỘ
Số 126 Nguyễn Thiện Thành, khóm 4, phường 5, TP.Trà Vinh
Điện thoại: (+84).294.3855246
Số nội bộ: 240; Email: vpkkhmer@tvu.edu.vn