(TVU) – Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 10 năm Đại học Trà Vinh, 15 năm mô hình Cao đẳng Cộng đồng, Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ tổ chức Diễn đàn Văn nghệ Dân gian các Dân tộc Tây Nam Bộ  - Lần I, năm 2016. Diễn đàn thu hút hơn 100 đại biểu, là các Nhà quản lý văn hóa, Nhà nghiên cứu, Nghệ nhân, Nghệ sĩ thuộc các tỉnh Tây Nam Bộ.Nghe-Nhan-Sa-Rat

Nghệ nhân Thạch Sa Rat biểu diễn nhạc cụ bằng chén

Đặc biệt có sự tham dự của PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Nhà trường, ông Thạch Mu Ni, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc - Tôn giáo, BCĐ Tây Nam Bộ, Tiến sĩ Phú Văn Hẳn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, TS.NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng, Nhạc viện TP. HCM, ông Kiên Banh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Trà Vinh, ThS.NSƯT Lâm Vĩnh Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Sóc Trăng, cùng các Nghệ nhân, Nghệ sĩ có tên tuổi.

Diễn đàn diễn ra trong hai ngày, ngày 15 và ngày 16.6.2016, gồm các hoạt động như: Trưng bày, giới thiệu sản phẩm dân gian và giao lưu biểu diễn nghệ thuật dân gian; Tọa đàm Khoa học “Nghệ nhân Dân gian – Chân dung và Giá trị” và tôn vinh “Nghệ sĩ, Nghệ nhân Dân gian” đã có nhiều đóng góp cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và biểu diễn nghệ thuật dân gian các dân tộc Tây Nam Bộ tại Trường Đại học Trà Vinh.

Diễn đàn khởi động với chương trình trưng bày sản phẩm nghệ thuật của các nghệ nhân đến từ các địa phương khác nhau, nhiều sản phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện bản sắc, cá tính sáng tạo của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nam Bộ (nghệ thuật vẽ tranh trên lá thốt nốt, nghệ thuật vẽ tranh gạo, nghệ thuật chế tác nhạc cụ bằng dừa, nghệ thuật chế tác mão, mặt nạ sân khấu cổ điển của người Khmer,…)

Và chương trình văn nghệ với các tiết mục biểu diễn, giao lưu đặc sắc được chuẩn bị công phu với những thanh âm, giai điệu mộc mạc nhưng sâu lắng của nghệ thuật Đờn ca tài tử, những điệu múa Rom vong, bài hát Aday cuốn hút lòng người của đồng bào Khmer hay sự chia sẻ chân tình của nhạc sĩ  người Chăm Raya Quang Đại Hội. Chương trình đã thu hút sự tham gia của gần 100 Nghệ sĩ, Nghệ nhân Dân gian, góp phần đưa nền nghệ thuật dân gian của các dân tộc ở Tây Nam Bộ đến với công chúng, các nhà nghiên cứu, giúp mọi người hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, con người và cuộc sống các dân tộc ở Tây Nam Bộ.

Sáng ngày 16.6,  tiếp tục là tọa đàm Khoa học “Nghệ nhân Dân gian - Chân dung và Giá trị” thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều Nghệ sĩ, Nghệ nhân Dân gian, các nhà nghiên cứu, sinh viên, học viên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Hơn 20 tham luận tại Tọa đàm tập trung vào ba vấn đề cơ bản của văn nghệ dân gian các dân tộc ở Tây Nam Bộ, xoay quanh đặc trưng, giá trị; Chân dung các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian và Các chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị nhân văn.

Bên cạnh đó, Tọa đàm khoa học còn là nơi để các nghệ sĩ, nghệ nhân chia sẻ những kinh nghiệm trong việc chế tác, sáng tác, biểu diễn cũng như việc truyền nghề cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn và phát huy văn h truyền thống các dân tộc. IMG 7241

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Tiến sĩ Phú Văn Hẳn – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ nhấn mạnh “Sáng kiến tổ chức diễn đàn cùng các hoạt động trưng bày, giao lưu văn nghệ, tôn vinh nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian và tọa đàm khoa học rất cần thiết và có ý nghĩa sâu sắc.” Tiến sĩ  Phú Văn Hẳn đề xuất cần tiếp tục duy trì và nâng cấp diễn đàn mang tính khu vực Nam Bộ và cấp quốc gia để hoạt động này có ý nghĩa và lan tỏa xa hơn.

Dịp này, Ban tổ chức tôn vinh 36 Nghệ sĩ - Nghệ nhân Dân gian các dân tộc Tây Nam Bộ đã có sự đóng góp tích cực trong việc gìn giữ và phát huy các loại hình nghệ thuật dân tộc và đóng góp cho sự phát triển của Khoa Ngôn ngữ, Văn hóa, Nghệ thuật Khmer Nam Bộ.

sinh-vien-dai-hoc-tra-vinh-dien-ca-khmer

dai-bieu-tham-gia-dien-dan

  

Thạch Thị Rọ Mu Ni - Hoàng Dũng

TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÀ VINH
KHOA NGÔN NGỮ VĂN HÓA - NGHỆ THUẬT- KHMER NAM BỘ
Số 126 Nguyễn Thiện Thành, khóm 4, phường 5, TP.Trà Vinh
Điện thoại: (+84).294.3855246
Số nội bộ: 240; Email: vpkkhmer@tvu.edu.vn