Ngày 21/11/2016, Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ thuộc Trường Đại học Trà Vinh tổ chức Hội thảo“Nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn ở Nam Bộ trong tình hình hiện nay”. Ban tổ chức hội thảo đã vinh dự được đón tiếp ông Sơn Phước Hoan (Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của chính phủ), bà Huỳnh Thị Sô Ma Ly (Vụ Trưởng Vụ địa phương III, Ủy ban Dân tộc), nhà giáo nhân dân Lâm Es (Chủ tịch Hội Khuyến học Sóc Trăng), PGS.TS. Lê Sơn (Phó Viện Trưởng, Viện Khoa học Giáo dục phía Nam), TS.Trần Thanh Pôn (Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia TP. Hồ Chí Minh), PGS.TS. Đoàn Lê Giang (Trưởng Khoa NN&VH, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM), PGS.TS. Phạm Thu Yến (Đại học Sư phạm Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam (Khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ) cùng các nhà nghiên cứu, các vị lãnh đạo và gần 200 giảng viên, học viên Sau đại học và sinh viên các lớp.

Mở đầu là phần phát biểu khai mạc hội thảo của cô Thạch Thị Dân (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh). Hội thảo lần này đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, các nhà lãnh đạo, quản lý. Tập kỷ yếu được in với hơn 50 bài tham luận bàn về các vấn đề nghiên cứu và giảng dạy Ngữ Văn ở Nam Bộ. Sau mỗi phần báo cáo của các báo cáo viên đều có phần trao đổi, thảo luận rất sôi nổi của các chuyên gia. Nội dung cuộc tọa đàm xoay quanh chủ đề giảng dạy Ngữ Văn nói chung và Ngữ văn Khmer nói riêng.

Bàn về vấn đề nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn, tác giả Trầm Thanh Tuấn với tham luận “Dạy học tích hợp Ngữ văn địa phương trong chương trình Ngữ văn Trung học Phổ thông tại tỉnh Trà Vinh” đã tóm tắt về các nguồn tài liệu Ngữ văn địa phương tại Trà Vinh hiện nay. Đồng thời, tác giả cũng trình bày những khó khăn đối với việc dạy và học chương trình Ngữ văn địa phương và đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy hiệu quả trong việc dạy học. Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam với tham luận “Các quan niệm về đọc, mục tiêu dạy đọc và mô hình dạy đọc văn bản”đã khái quát các quan niệm về đọc của các tác giả trong và ngoài nước; mục tiêu dạy đọc.Từ những nghiên cứu, phân tích, tác giả đưa ra các nhận xét về nguyên nhân của những hạn chế trong việc dạy đọc, hướng tới phát triển năng lực người học. Chia sẻ với hội thảo,nhà văn Trần Dũng, PGS.TS Đoàn Lê Giang cũng đã trình bày một số ý kiến liên quan đến việc giảng dạy Ngữ văn. Qua đó, PGS.TS Đoàn Lê Giang cho rằng việc xây dựng chương trình Ngữ văn mới theo định hướng phát triển năng lực (2018) sẽ tích hợp ba phân môn (Ngữ, Văn và Làm văn) nhằm giảm tải chương trình nhưng học sinh sẽ có hiểu biết sâu rộng hơn bằng việc tăng ngữ liệu trong SGK. Từ hội thảo này có thể bổ sung ngữ liệu về văn học dân gian Khmer, văn học quốc ngữ Nam Bộ vào chương trình SGK mới, tăng cường phát triển ngôn ngữ cho học sinh Khmer tại địa phương.

 

(PGS.TS Đoàn Lê Giang – Trưởng Khoa NN&VH, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP.HCM phát biểu tại hội thảo)

Về Ngữ văn Khmer, hội thảo đã thông qua các báo cáo của ông Thạch Đời, ông Danh Mến. Các tác giả đã trình bày thực trạng dạy và học tiếng Khmer, phân tích mối liên quan giữa Bà la môn giáo và Phật giáo trong văn học dân gian Khmer và đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của việc dạy học Ngữ văn Khmer cũng như cơ hội việc làm cho sinh viên khi ra trường. Cùng tham gia thảo luận về việc giảng dạy Ngữ văn Khmer, ông Sơn Phước Hoan, TS. Trần Thanh Pôn và nhiều đại biểu khác bày tỏ sự vui mừng khi hội thảo đã đề cập đến những vấn đề về việc dạy Ngữ văn ở Nam Bộ nói chung và văn học, ngôn ngữ Khmer nói riêng. Đồng thời, các đại biểu cũng trình bày những khó khăn và đề xuất hướng giải quyết trong tương lai.

 

(Ông Sơn Phước Hoan – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ)                                            

(Ông Lâm Qui – Thành viên ban chủ tọa)

Bên cạnh việc thảo luận liên quan đến chủ đề đặt ra, hội thảo còn tổ chức triển lãm, trưng bày giới thiệu các công trình, ấn phẩm, tư liệu tham khảo về nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn ở Trường Đại học Trà Vinh. PGS.TS Phạm Tiết Khánh - Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh phát biểu tổng hợp ý kiến về các vấn đề liên quan đến buổi tọa đàm và gửi lời tri ân chân thành đến các nhà khoa học, Quý lãnh đạo các cơ quan, giảng viên, học viên, sinh viên đã quan tâm và tham dự hội thảo. Những bó hoa tươi thắm thay lời cảm ơn sâu sắc của nhà trường được gửi đến từng tác giả đã tặng sách, góp phần làm giàu kho tàng tư liệu nghiên cứu về Ngữ văn ở Nam Bộ. Hội thảo diễn ra trong không khí sôi nổi, hào hứng và kết thúc lúc 17h30 cùng ngày.

                                                                                                              Bài và ảnh: Thạch Thị Thanh Loan – Ngô Phú Hải   

   Một số hình ảnh liên quan đến hội thảo

(Ban tổ chức tặng hoa cho các đơn vị, cá nhân triển lãm sách và Ban chủ tọa hội thảo)

(Đại biểu tham quan khu trưng bày sách)

Thông báo

VIDEO GIỚI THIỆU

 

GÓC SINH VIÊN

Lượt truy cập

125992
Số khách trực tuyến 2
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÀ VINH
KHOA NGÔN NGỮ VĂN HÓA - NGHỆ THUẬT- KHMER NAM BỘ
Số 126 Nguyễn Thiện Thành, khóm 4, phường 5, TP.Trà Vinh
Điện thoại: (+84).294.3855246
Số nội bộ: 240; Email: vpkkhmer@tvu.edu.vn